Danh mục nhà đất
Tại khu phức hợp cao cấp nọ, tít tận trên tầng 27, có 2 căn hộ cạnh nhau nhưng bối cảnh 2 gia đình lại trái ngược nhau hoàn toàn: một bên cả ngày không ngớt tiếng cãi nhau & la mắng, bên còn lại thì ngập tràn lời hát ca & vui vẻ.
Một hôm, thuận dịp gặp nhau trong phòng xông hơi tại khu hồ bơi, người chồng của gia đình A mới đặt nghi vấn: “Suốt thời gian ở đây, tôi chưa từng thấy gia đình anh một lần to tiếng với nhau, lẽ nào cả nhà anh đều tốt thế sao?”
Người chồng của gia đình B ôn tồn trả lời: “Không, thật ra gia đình anh mới toàn là người tốt nên gia đình anh hay to tiếng, còn gia đình tôi toàn là người xấu nên suốt ngày vui vẻ và hòa đồng”.
Anh A chưa hiểu nên nhờ anh B giải thích tại sao như vậy? Anh B bèn nói:
Ví dụ như câu chuyện vỡ cái ly vào buổi trưa nay, anh đi vào bếp và làm vỡ cái ly mà vợ anh để chênh vênh trên mép bàn bếp.
Vì anh là người tốt nên anh không thể nhận lỗi không phải do mình gây ra, vì nếu vợ anh để cái ly cẩn thận hơn thì anh đã không làm vỡ nó nên anh nói:
“Sao bà không để cái ly cẩn thận nên tôi đi ngang làm bể rồi nè”.
Vợ anh cũng là người tốt, cô ta cũng không thể nhận lỗi không phải do mình gây ra, dù cô ta để vậy nhưng nếu không vì anh bất cẩn thì cái ly cũng đâu có vỡ, nên cô ấy nói lại anh:
“Tôi để cái ly ở đó, ông đi mắt nhắm mắt mở làm bể rồi còn đổ thừa tui nữa à”.
Con của anh chị nghe to tiếng nên đi từ phòng ra dẫm phải miễng sành chảy máu chân, đứa bé cũng là người tốt nên càng không thể nhận lỗi do con gây ra mà lại còn khiến con tổn thương, nên con khóc la oán trách anh chị:
“Tại ba má không dọn nên con dẫm phải chảy máu rồi nè”.
Lúc đó anh chị lại quát lên: “Tại mày đi không chịu nhìn trước nhìn sau, dẫm phải rồi còn la lên nữa”. Như vậy càng làm cho gia đình anh chị to tiếng nhiều hơn nữa.
Ngừng giây lát, người chồng của gia đình B lại nói tiếp: “Còn gia đình chúng tôi may mắn đều thấy mình là người xấu, trong cùng sự kiện trên tôi sẽ nhận ngay lỗi về mình".
Vì dù cho vợ tôi để cái ly không an toàn nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn, nếu không vì tôi bất cẩn thì nó sẽ không rơi vỡ. Tôi sẽ nói:
“Anh xin lỗi, anh vô ý đã làm vỡ cái ly rồi”.
Vợ tôi cũng thấy mình là người xấu nên cô ấy sẽ giành nhận lấy lỗi về cô ấy, nếu cô ấy cẩn thận hơn thì không khiến tôi có cơ hội làm vỡ cái ly được. Cô ấy nói:
“Xin lỗi anh, tại em vô ý không cẩn thận nên để cái ly ở đó”.
Rồi chúng tôi cùng nhau quét dọn để chuộc lỗi, con của chúng tôi đi ra cũng sẽ không bị đạp miểng, mà nếu có thì con cũng thấy con là người xấu và nói:
“Con xin lỗi, tại con vội quá nên không nhìn xung quanh, ba mẹ giúp con băng bó vết thương lại nhé!”
Thế là cả nhà chúng tôi đều yêu thương, vui vẻ và hòa đồng với nhau.
Trên đây là câu chuyện về đối xử với nhau trong gia đình mà chúng ta dễ bị mắc phải.
Cách đối đãi với nhau trong gia đình:
Đây là một Quan niệm, chúng ta có thể áp dụng hoặc không áp dụng tùy theo nhìn nhận của mỗi người.
Đối với người chồng: Hãy xem vợ như con gái thì sẽ đủ sự bao dung với vợ, nhưng không được quyền xem mình như cha. Xem con trai như Huynh đệ, xem con gái như tri kỷ.
Đối với người vợ: Xem chồng như Cha nhưng không được quyền xem mình như con (vì không có một người để mình kính trọng thì khó ai có thể giúp mình chuyển hóa), xem con gái như tỷ muội, xem con trai là tri kỷ.
Có câu nói:
“Xa thơm gần thối”. Con người ta sống gần với nhau càng thấy tật xấu với nhau, do không chịu làm lớn cái tốt của nhau. Hãy làm lớn cái tốt của nhau thì cái xấu sẽ tan biến. Đã là con người thì không có vấn đề.